Trên thị trường chứng khoán, tổng số doanh nghiệp niêm yết theo thống kê đạt khoảng 2.300 doanh nghiệp, bằng 0,3% tổng các doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 900.000), khá khiêm tốn so với quy mô nền kinh tế.
Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, với số lượng doanh nghiệp niêm yết khiêm tốn như trên, có thể thấy rằng các doanh nghiệp đang vay vốn từ hệ thống ngân hàng nhiều hơn huy động trên thị trường chứng khoán.
Dẫn chứng cho nhận định này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tỷ lệ vốn tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng/GDP năm 2023 là khoảng 127%, trong khi tỷ lệ vốn hoa của thị trường chứng khoán/GDP chỉ đạt 87%. Sự chênh lệch này cho thấy Việt Nam cần phát triển thị trường chứng khoán để cung cấp vốn cho nền kinh tế thay vì tập trung quá nhiều vào vốn tín dụng từ hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh đó, huy động vốn qua thị trường chứng khoán được đánh giá là khó tiếp cận đối với các doanh nghiệp nhỏ và có tình hình tài chính không ổn định vì những giới hạn của Luật Chứng khoán.
Theo đó, để 1 doanh nghiệp đủ điều kiện lên sàn chứng khoán cần đáp ứng một số điều kiện tối thiểu như phải có báo cáo tài chính kiểm toán, vốn tự có đạt tối thiểu 30 tỷ đồng, không có lỗ luỹ kế, kinh doanh có lãi 2 năm liên tiếp,…
Tuy nhiên, dù đáp ứng đủ các yêu cầu trên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong quá trình làm hồ sơ niêm yết tại các sở giao dịch.
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt sau khi những vụ việc về thao túng chứng khoán gây xôn xao trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, từ 6 tháng đến cả năm vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ để niêm yết trên sàn chứng khoán. Nguyên nhân do nhân viên của các sở giao dịch không dám nhận hồ sơ, hoặc nhận hồ sơ nhưng chưa xét duyệt, hoặc xét duyệt quá kĩ, dẫn đến thời gian kéo dài.
“Đây là 1 bất cập của thị trường chứng khoán hiện nay. Trong khi chúng ta đang rất cần doanh nghiệp lên sàn để gia tăng số lượng ít ỏi, thì việc cho doanh nghiệp niêm yết lại đang rất khó khăn”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ở Việt Nam đang phải đăng ký kinh doanh ở Singapore để có thể huy động vốn và IPO dễ dàng hơn, trong khi Singapore lại không phải “thiên đường thuế”.
“Đây là thiệt thòi lớn của Việt Nam, khi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin với lượng database khổng lồ nhưng không biết phải làm gì tại Việt Nam nên buộc phải mở công ty ở Singapore”, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Theo các chuyên gia, hoạt động IPO và niêm yết của doanh nghiệp cần được thiết kế theo lộ trình, không phải câu chuyện ngẫu nhiên một doanh nghiệp được lên sàn chứng khoán mà đằng sau có một ekip bao gồm công ty tư vấn, luật sư,...
Bà Kiều Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế MOCAFUND cho biết để IPO, doanh nghiệp cần nâng cao kiến thức và kĩ năng về xây dựng lộ trình tài chính, nắm rõ hành lang pháp lý và tuân thủ luật pháp để IPO một cách bài bản.
Tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp bày tỏ thắc mắc về những ngành nghề như chăn nuôi heo, thuỷ hải sản,… có phù hợp để lên sàn chứng khoán? Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lên sàn, bà Thành cho biết đây cũng là vấn đề mà nhiều chủ doanh nghiệp gặp phải khi cân nhắc đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán.
Theo Chủ tịch MOCAFUND, chỉ cần cấm các hoạt động kinh doanh như buôn bán mại dâm, buôn bán vũ khí, buôn bán chất độc và làm ảnh hưởng tới mạng sống con người... ngoài ra, miễn ngành nghề là nhu cầu chính đáng, đáp ứng được nhu cầu xã hội, được người dân ủng hộ và đem lại lợi ích cho cộng đồng thì “một con cừu chết cũng có thể lên sàn”.
“Điều quan trọng, doanh nghiệp cần phải hiểu mục đích của việc IPO. IPO không chỉ là 1 trong những đích đến, mà còn thể hiện trạng thái của doanh nghiệp, là cuộc chơi về thiết kế giá trị và tính thanh khoản”, bà Kiều Thị Thành cho biết.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, những điều kiện để IPO, để niêm yết đều có thể được các công ty tư vấn, luật sư hỗ trợ tìm phương án giải quyết, còn yếu tố chính trên con đường IPO là hoài bão trở thành công ty đại chúng, trở thành công ty niêm yết của bản thân mỗi doanh nghiệp.
“Bởi vì các vấn đề thực sự sẽ chỉ phát sinh sau khi doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Khi trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp sẽ bị “nhòm ngó” rất kỹ về sổ sách kế toán, về các báo cáo quản trị, báo cáo tài chính, và sau đây còn 2 báo cáo quan trọng về phát thải nhà kính và ESG”, TS Nghĩa cho biết.