TỔNG QUAN VỀ QUY TRÌNH CHÀO BÁN LẦN ĐẦU RA CÔNG CHÚNG (IPO)

07/06/2023
Tùy thuộc vào giá trị cổ phần hóa và quyết định của ban lãnh đạo công ty mà địa điểm đấu giá sẽ được tổ chức ở tại chính doanh nghiệp, ở công ty chứng khoán tư vấn hoặc ở Sở giao dịch chứng khoán.

IPO là khi công ty bán cổ phiếu của họ lần đầu tiên ra công chúng và có thể đi kèm với việc niêm yết nó trên một sàn giao dịch chứng khoán. Niêm yết lần đầu lên sàn giao dịch niêm yết cũng là một cách công ty để trở nên đại chúng. Các nhà đầu tư cá nhân, như bạn, có thể sở hữu những cổ phiếu này bằng cách tham gia trực tiếp cuộc đấu giá trong đợt IPO, hoặc là có thể tham gia giao dịch cổ phiếu đó sau khi nó đã được niêm yết trên sàn, thông qua tài khoản chứng khoán mở tại công ty chứng khoán như AIS ).

Đối với những nhà đầu tư sở hữu cổ phần công ty trước khi niêm yết, chứng nhận sở hữu cổ phần thường dưới dạng Sổ cổ đông, khi muốn giao dịch chứng khoán, những cổ đồng này cần phải mở tài khoản và thực hiện lưu ký chứng khoán tại các công ty chứng khoán trước khi thực hiện giao dịch (Hướng dẫn thủ tục lưu ký chứng khoán tại AIS).

IPO mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư, tuy nhiên quá trình IPO có thể tốn rất nhiều thời gian. Trình tự cụ thể và các lợi ích của IPO sẽ được đề cập dưới đây.

Các bước IPO

Tùy thuộc vào giá trị cổ phần hóa và quyết định của ban lãnh đạo công ty mà địa điểm đấu giá sẽ được tổ chức ở tại chính doanh nghiệp, ở công ty chứng khoán tư vấn hoặc ở Sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên về trình tự chung sẽ theo các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị phát hành lần đầu

Tổ chức đại hội cổ đông để xin ý kiến chấp thuận của đại hội cổ đông về việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đồng thời thống nhất mục đích huy động vốn; số lượng vốn cần huy động; chủng loại và số lượng cổ phần dự định phát hành; cơ cấu vốn phát hành dự tính phân phối cho các đối tượng: Hội đồng quản trị, cổ động hiện tại, người lao động trong doanh nghiệp, người bên ngoài doanh nghiệp, người nước ngoài…

Sau đó, hội đồng quản trị ra quyết định thành lập một ban với mục đích hoạt động là chuẩn bị cho việc xin phép phát hành chứng khoán ra công chúng (gọi chung là Ban chuẩn bị). Chức năng chủ yếu của Ban là:

Chuẩn bị các hồ sơ xin phép phát hành để nộp lên cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

Lựa chọn tổ chức tư vấn phát hành- ngân hàng đầu tư/công ty chứng khoán (nếu cần); công ty kiểm toán và tổ chức tư vấn khác như pháp chế

Cùng với các tổ chức này xây dựng phương án phát hành và dự thảo bản cáo bạch để cung cấp cho các nhà đầu tư.

(Nguồn: Ảnh mạng)

Bước 2: Lựa chọn tổ chức bão lãnh phát hành và tiến hành làm thủ tục IPO

Trong trường hợp khối lượng chứng khoán phát hành là quá lớn, vượt quá khả năng của một tổ chức bảo lãnh phát hành thì tổ chức bảo lãnh phát hành chính (tổ chức bảo lãnh đã được lựa chọn) sẽ đứng ra lựa chọn các thành viên khác để cùng với mình tiến hành bảo lãnh cho toàn bộ đợt phát hành.

Ban chuẩn bị cùng với tổ chức bảo lãnh phát hành, công ty kiểm toán và tổ chức tư vấn tiến hành định giá chứng khoán phát hành. Định giá chứng khoán là khâu khó khăn nhất và phức tạp nhất khi tiến hành phát hành chứng khoán ra công chúng. Nếu định giá chứng khoán quá cao thì sẽ khó khăn trong việc bán chứng khoán, còn nếu định giá chứng khoán quá thấp thì sẽ làm thiệt hại cho tổ chức phát hành.Vì thế, việc định giá chứng khoán một cách hợp lý sao cho người mua và người bán đều chấp nhận được là hết sức quan trọng và cần phải được phối hợp của tổ chức bảo lãnh, công ty kiểm toán và tổ chức tư vấn của công ty. Cùng với đó tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ tư vấn cho Tổ chức phát hành về tổ chức các roadshow để giới thiệu, quảng bá hình ảnh công ty. (Roadshow là 1 sự kiện được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu thông tin đến nhiều người. Trong IPO, roadshow là việc công ty tổ chức một hoặc một vài buổi giới thiệu đến những nhà đầu tư tiềm năng (thường nhà đầu tư do tổ chức bảo lãnh phát hành giới thiệu), giúp nhà đầu tư tiềm năng tiếp cận được thông tin của doanh nghiệp. Roadshow cũng, là một phần tư liệu hữu dụng để công ty đưa lên các phương tiện truyền thông nhằm quảng bá cho đợt IPO)

Bước 3: Tiến hành IPO (hoặc IPO kèm niêm yết)

Sau khi được công ty kiểm toán xác nhận các báo cáo tài chính trong hồ sơ xin phép phát hành và được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành, Tổ chức phát hành phải ra thông báo phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời công bố ra công chúng bản cáo bạch chính thức và thời gian hoàn thành phân phối chứng khoán kể từ khi được cấp giấy phép. Thời hạn phân phối được qui định khác nhau đối với mỗi nước.

Ở Việt Nam, theo qui định tại Nghị định 48/1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì thời hạn này là 90 ngày, trong trường hợp xét thấy hợp lý và cần thiết, Uỷ ban chứng khoán nhà nước có thể gia hạn thêm.

Công ty tiến hành IPO phải đăng ký, lưu giữ, chuyển giao và thanh toán chứng khoán sau khi kết thúc đợt phân phối chứng khoán. Sau khi hoàn thành việc phân phối chứng khoán, tổ chức phát hành cùng với tổ chức bảo lãnh phát hành phải báo cáo kết quả đợt phát hành cho Uỷ ban chứng khoán và tiến hành đăng ký vốn với cơ quan có thẩm quyền.

(Nguồn: Ảnh mạng)

Lợi ích của việc tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu?
Một số lợi ích chính khi các công ty IPO và niêm yết cổ phiếu trên sàn:

Huy động vốn: Các startup cần tiền để duy trì hoạt động và tăng trưởng. Thông thường các doanh nhân phụ thuộc vào tiền túi để triển khai các dự án. Sau đó là tiền từ gia đình, bạn bè và các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hầu hết các công ty đều muốn được huy động vốn đại chúng vì đây là nguồn cung cấp vốn dồi dào của thị trường tài chính. Việc đó chỉ có thể thực hiện thông qua IPO. Để có cơ hội tăng trưởng thông qua tăng vốn nhanh, các doanh nghiệp cũng có thể phát hành thêm cổ phần đổi lấy tiền.

Thoái vốn: Một lợi ích khác là thanh khoản, thu hồi tiền đầu tư cho, những nhà đầu tư ban đầu/đầu tiên vào công ty. Có thể bao gồm nhà sáng lập, nhân viên thời đầu và các nhà đầu tư. Sẽ rất khó khăn cho những thành viên này bán cổ phần khi công ty chưa được đại chúng. Vì rõ ràng, với công ty đại chúng, cổ phiếu sẽ được bán một cách dễ dàng trên sàn giao dịch hoặc trên thị trường OTC.

Cuối cùng là phát triển công ty: công ty đại chúng sẽ yêu cầu những trách nhiệm mới. Đó là bởi vì các công ty đại chúng phải tuân theo những luật lệ khắt khe hơn về những yêu cầu của báo cáo tài chính cho cổ đông. Khi những công ty đại chúng phải công bố thông tin, điều đó khuyến khích họ theo đuổi việc quản lý chặt chẽ và ra thông báo hoạt động nhiều hơn. Như vậy, để tạo dựng được uy tín với thị trường, cụ thể chính là nhà đầu tư hiện tại và tương lai, công ty đại chúng cần càng ngày càng phải nâng cao năng lực doanh nghiệp, tăng mức độ minh bạch. Do đó bạn cũng dễ tìm kiếm thông tin của công ty đại chúng hơn những loại hình công ty khác.

 



Zalo